Bánh cuốn là đặc sản nổi tiếng vùng Đông Bắc, là món ăn phổ biến ở cả hai miền Nam – Bắc. Tuy nhiên, với những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất Cao Bằng chắc chắn sẽ không thể quên được hương vị của loại bánh cuốn này. Nó hấp dẫn bởi hương vị riêng biệt, cách làm và cách thưởng thức bình dị của người dân phố núi. Bánh cuốn ở Cao Bằng đã quá quen thuộc nên nếu ra đường vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, bạn sẽ thấy món đặc sản này được bày bán. Chủ yếu là vào buổi sáng. Đặc biệt, khi mùa đông đến, món ăn này lại càng hoàn hảo cho trẻ em, thanh niên đến người già.
Quá trình chuẩn bị nguyên liệu kỳ công
Ẩm thực mỗi vùng miền đều có những nét đặc sắc riêng. Và Cao Bằng cũng không phải ngoại lệ. Người dân Cao Bằng coi bánh cuốn ăn cùng nước canh xương là đặc sản “hiếm có khó tìm”. Thay vì nước chấm pha mắm, bánh cuốn ở đây ăn với nước xương ninh thơm thơm vị ớt cùng măng ngâm mắc mật. Nên còn gọi là “bánh cuốn canh” để phân biệt với bánh cuốn ở miền xuôi. Cùng miếng bánh dẻo, dai và thơm nguyên mùi hạt gạo; bánh cuốn canh Cao Bằng khiến các du khách không thể bỏ qua, để rồi “ăn một lần nhớ mãi”.
Không phải loại gạo nào cũng có thể làm bánh. Mà nhất định phải là gạo tẻ trên đất Cao Bằng mới tạo nên bột bánh hảo hạng. Làm ra tấm bánh vừa trắng vừa mỏng, dai, mịn, với mùi thơm đặc trưng. Bột ngon là bột đáp ứng được độ sánh, dẻo. Đây chính là bí quyết riêng của mỗi chủ quán. Nhân bánh có thể được xào sẵn cùng thịt hoặc trứng. Chị Hoàng Thị Thủy, chủ một quán bánh cuốn canh chia sẻ: “Bánh cuốn Cao Bằng muốn ngon thì phải chọn gạo Đoàn Kết, giống cũ ngày xưa, hạt nhỏ, hơi hồng hồng… khi xát mới ngon được. Thịt phải chọn được lợn nào nuôi dài ngày. Ấn vào miếng thịt cứng rắn thì sẽ thơm ngon.”
Điểm độc đáo của bánh cuốn Cao Bằng
Điểm đặc biệt và mang lại hương vị riêng cho bánh cuốn canh là nước dùng. Đó là nước canh xương ninh nhừ thơm lựng, không có váng mỡ mà ngọt lịm, thoảng hương tủy xương. Thêm chút hành hoa, rau mùi, nấm hương, mộc nhĩ và vài thìa thịt băm nhuyễn. Như vậy là đã có bát nước canh hấp dẫn ăn kèm bánh cuốn. Tùy theo khẩu vị, sở thích mà có người thích ăn bánh cuốn canh không hoặc thêm quả trứng, miếng giò…
Theo cách thưởng thức bánh cuốn của người Cao Bằng; bánh sẽ nhúng ngập trong bát canh được hòa thêm chút tương ớt, măng chua. Dùng thìa và đũa vớt lên như khi ăn bún, phở. Sự hòa quyện giữa vị thanh mát của miếng bánh cuốn cùng nước xương hầm thơm, ngọt; vị béo ngậy của trứng, giò và vị thơm dịu của quả mắc mật khiến những thực khách muốn ăn thêm mãi.
Lên Cao Bằng thì không thể bỏ qua bánh cuốn
Lên Cao Bằng, bưng bát bánh cuốn nóng hổi, xuýt xoa trước độ cay nồng của thứ tương ớt có vị quả mắc mật thơm dịu… có cảm giác vùng cao như rất gần. Chính vì thế, bánh cuốn ở đây luôn giản dị như một thứ quà đầy lưu luyến.
Các hàng bánh cuốn thường “quảng cáo” món ăn thân thuộc của mình bằng một cái bảng gỗ sơ sài “Bánh cuốn” và chắc chắn bạn sẽ tìm mỏi mắt mà không thấy người bán bánh cuốn ở đâu bởi bánh nằm hẳn trong nhà. Những cô bán hàng sẽ túc trực bên cạnh chiếc nồi đổ bánh. Sau đó bổ sung thêm gia vị giò chả, chén, đũa ở trên một chiếc bàn dài, thực khách sẽ ngồi xung quanh xì xụp vừa ăn vừa thổi.
Hy vọng bạn đọc đã có thêm thông tin hữu ích sau khi theo dõi bài viết của chúng tôi.