Cơm tấm được xem là một món ăn đặc sản của người dân miền Nam. Nó được ưa chuộng ở rất nhiều vùng miền khác nhau, đặc biệt là Sài Gòn. Hiện nay, món cơm tấm Sài Gòn đã có mặt trên khắp các tỉnh thành của đất nước Việt Nam và cả nước ngoài. Cơm tấm được làm từ những hạt tấm, chả trứng, trứng ốp la, lạp xưởng. Cơm tấm thường được sử dụng trong các bữa sáng nhưng đôi khi người ta cũng sẽ thưởng thức nó vào buổi trưa hay buổi tối. Hãy cùng tìm hiểu về món cơm tấm Sài Gòn với chuyên mục ẩm thực 3 miền nhé!
Cái hồn của cơm tấm Sài Gòn
Sài Gòn là vùng đất đa văn hoá, ẩm thực Sài Gòn vì thế cũng pha trộn hương vị của nhiều vùng miền. Đặc biệt với đặc sản cơm tấm thì khác, tới mức người ta vẫn nói với nhau rằng “Đến Sài Gòn mà chưa ăn cơm tấm là chưa thật sự đến Sài Gòn”.
Người Sài Gòn ăn cơm tấm có lẽ cũng nhiều như người Hà Nội ăn phở. Khắp các ngõ ngách của Sài Gòn rộng lớn chắc hẳn không thể đếm hết có bao nhiêu tiệm cơm tấm lớn nhỏ. Cơm tấm từng được gọi là “món cơm nhà nghèo” theo thời gian cơm tấm đã trở thành món ăn thân thuộc của tất cả người Sài Thành.
Với đặc sản cơm tấm thì phần tinh tuý chính là nằm ở hạt tấm. Tấm là phần đầu của hạt gạo, trong quá trình xây xát đã làm hạt tấm vỡ ra. Đây là nguyên liệu chính không thể thay thế bằng bất cứ loại nguyên liệu nào khác trong món cơm tấm Sài Gòn. Bởi hạt tấm rất thơm, ngọt và tấm được nấu không quá khô cũng không quá nhão. Sẽ tơi xốp khiến người ăn chẳng bao giờ thấy ngán.
Các thành phần trong một đĩa cơm tấm
Ăn kèm với cơm tấm thì món truyền thống và ngon nhất là phải kể đến bộ ba “sườn, bì, chả”. Trong đó, sườn là món chính, được tẩm ướp từ nhiều loại hương liệu. Sau khi đem nướng trên bếp than hồng. Miếng sườn từ từ thấm gia vị đậm đà, tỏa mùi thơm, thịt vàng ươm. Giòn bên ngoài nhưng mềm ngọt bên trong tạo thành một hương vị đặc biệt; mà chỉ cần ngửi thấy là nghĩ ngay đến cơm tấm.
Món chả được làm từ thịt heo xay nhuyễn trộn đều với trứng, bún gạo, nấm mèo, hành lá và gia vị rồi hấp chín. Đặc biệt món chả còn có thêm một lớp lòng đỏ trứng gà ở phía trên mặt. Làm miếng chả không chỉ vàng đẹp mà còn có thêm vị beo béo, thơm và mềm hơn. Để làm được miếng chả trứng ngon, có độ chín đều, mềm và vị vừa đòi hỏi người làm phải thật khéo tay.
Còn bì được làm từ da heo được nấu nước sôi cho hết mỡ. Cắt sợi, vắt ráo rồi trộn với thính. Ăn vào thấy dai dai, sần sật và rất thơm. Khi ăn kèm với chả và sườn thì không có bất kỳ món nào có thể thay thế bì. Ngoài sườn, bì, chả có thể ăn cơm tấm với các món khác. Tiêu biểu như cá kho, thịt kho trứng, tôm rim, gà nướng, mực nhồi thịt.
Cơm tấm – hương vị của Sài Gòn
Cơm tấm được bán ở tất cả các quận; ở mọi nơi từ nhà hàng sang trọng đến quán bình dân. Bất kể sáng, trưa, chiều hay tối muộn. Cơm tấm vẫn luôn nằm trong danh sách lựa chọn của người Sài Gòn vào những lúc thấy bụng réo rắt. Người Sài Gòn đi đâu cũng nhớ về cơm tấm như nhớ một hương vị thân thuộc của thành phố. Và ai đã đến Sài Gòn nhất định phải thử món cơm tấm sườn bì chả.
Người Sài Gòn có thể tìm cho mình một món ăn yêu thích trong rất rất nhiều món ăn ngon và hấp dẫn khác. Nhưng có lẽ, cơm tấm luôn gắn bó và xuất hiện trong sự lựa chọn của nhiều người. Cơm tấm một món ăn đơn giản nhưng tinh tế giữa Sài Gòn hoa lệ.