Tây Bắc là khu vực sinh sống của khoảng 34 dân tộc đã tạo nên tính đa dạng trong văn hóa của vùng đất này. Thế nhưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc lại mang nét đặc trưng riêng biệt khó có thể nhầm lẫn. Riêng trong văn hóa trang phục đã là một nét đặc trưng nổi bật của người Tây Bắc. Hình ảnh những cô gái Thái luôn mang vẻ đẹp dung dị của con người Tây Bắc và chiếc khăn Piêu nổi tiếng không thể không nhắc tới khi nói đến người Thái ở Sơn La.
Từng xuất hiện trong thơ ca nhưng chưa hẳn ai trong số chúng ta cũng biết rõ về chiếc khăn Piêu của dân tộc Thái. Và trong bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn về ý nghĩa của chiếc khăn Piêu cũng như một phần văn hóa nổi bật của người Thái ở Sơn La.
Yêu cầu khi dệt khăn và ý nghĩa một số hoa văn được thêu trên khăn Piêu
Khăn piêu được dệt từ sợi bông như cách làm thổ cẩm truyền thống, sau đó nhuộm chàm. Tới khi vải khô, người phụ nữ Thái mới bắt đầu thêu lên đó những hoa văn rực rỡ và bắt mắt. Ðể làm nên một chiếc khăn Piêu hoàn chỉnh, đẹp mắt. Với đầy đủ các họa tiết, hoa văn, phải mất từ 2 đến 4 tuần. Mỗi chiếc khăn Piêu có chiều dài từ 140-150 cm; hoặc bằng một sải tay của người con gái trưởng thành.
Ngoài việc lựa chọn các sợi chỉ mềm mượt thì khó nhất là công đoạn nhuộm màu sợi như ý muốn. Quan trọng nhất và cũng là khâu khó nhất trong việc thêu khăn là làm các chiếc “Cút”. “Cút” được làm từ một mảnh vải đỏ rộng. Bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại theo hình trôn ốc, gắn liền với các mép khăn.
Có 3 loại hoa văn được thêu trên mỗi chiếc khăn là “tà leo”, “cút piêu” và “sai peng”. Trong đó, “tà leo” là vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ thần hồn cho người đội khăn. “Cút piêu” là phẩm vật cao quý của người bề trên và “sai peng” là dây tình của đôi lứa. Tuy nhiên cả ba loại hoa văn này chỉ được thêu có chừng mực ở hai đầu của chiếc khăn. Hoa văn trên mỗi chiếc khăn chủ yếu là các hình zích zắc, hình xương cá, hình răng cưa…
Ý nghĩa của chiếc khăn Piêu đối với phụ nữ Thái ở Sơn La
Từ khi còn bé đến lúc trưởng thành, người con gái Thái được người mẹ dạy cho cách thêu thùa; may vá, dệt vải làm khăn. Việc học thêu khăn Piêu đối với các cô gái Thái là một quá trình nhận thức; và rèn luyện đôi bàn tay khéo léo của mình. Đến năm 15, 16 tuổi thì việc thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn đã được các cô gái Thái làm thành thạo. Mỗi cô gái phải tự tay làm khăn Piêu để chuẩn bị đi lấy chồng. Khăn Piêu là món quà không thiếu để cô dâu tặng gia đình nhà chồng khi về làm dâu.
Không chỉ gắn bó với cuộc sống thường ngày, bình dị của người dân, chiếc khăn Piêu còn là “vật tín”. Minh chứng đặc biệt cho tình yêu đôi lứa. Khi xưa, vào những dịp lễ hội, khi cô gái tung còn, chàng trai nào bắt được phải đền cho cô một hoặc hai đôi vòng bạc. Còn khi chàng trai ném còn mà cô gái không bắt được phải đem khăn Piêu ra tặng chàng trai. Chiếc khăn khi ấy trở thành cái cớ để họ hẹn ước, rồi yêu nhau. Nếu cô gái không yêu chàng trai thì có thể đem vật khác đến xin lại chiếc khăn của mình.
Hội thi thêu khăn Piêu ở Sơn La
Hằng năm, khi mùa xuân về, Thành phố Sơn La thường tổ chức Lễ hội Mùa hoa ban. Trong Lễ hội này luôn có phần thi hết sức độc đáo, thi thêu khăn Piêu. Với mục đích bảo tồn, gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Là cơ hội để các thí sinh giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thêu khăn. Đồng thời, giúp du khách hiểu thêm về giá trị của khăn Piêu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái. Ngày nay, chiếc khăn Piêu không chỉ là vật dụng quen thuộc của đồng bào dân tộc Thái. Mà còn trở thành món quà lưu niệm ý nghĩa đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Sơn La.