Cây đa, bến nước, sân đình luôn là biểu trưng linh thiêng và gần gũi trong văn hóa làng quê Việt Nam. Trải qua thời gian dài với bao nhiêu đổi thay, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã dần biến mất và trở nên mờ nhạt ở nhiều vùng quê. Nhưng vẫn có những nơi lưu giữ nguyên những bản sắc đó, không đâu xa, cách Hà Nội chỉ khoảng gần 1 giờ lái xe là bạn đã có thể đi về một chốn hoài niệm để tận hưởng văn hóa làng quê Việt. Đó chính là ở làng cổ Đường Lâm – Một trong số ít ngôi làng cổ ở Việt Nam được bảo tồn để lưu giữ nguyên giá trị văn hóa làng Việt cổ.
Nhắc về Đường Lâm để nhớ về những điều hoài niệm
Làng cổ Đường Lâm là một ngôi làng rộng lớn gồm 5 ngôi làng nhỏ bên trong. Nơi đây dù gần các đô thị lớn song vẫn giữ được bản sắc độc đáo của văn hóa làng Bắc Bộ.

Chúng tôi đến Đường Lâm vào một ngày nắng nhẹ kèm theo chút gió mùa hơi se lạnh. Đường Lâm nằm nép mình hiền hòa bên sông Hồng, dòng sông đỏ nặng phù sa luôn nuôi dưỡng cả một vùng đồng bằng Bắc Bộ. Người ta thường gọi Đường Lâm là xứ Đoài, một địa danh nghe thôi đã thấy chút yên bình, xa xôi, ẩn mình khỏi nhịp sống vội vã chốn phố thị. Vừa đặt chân tới cổng làng, tôi như thổn thức với những câu hát của Diva Hà Trần trong nhạc phẩm “Quê nhà”:
“Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa vắng.
Khói chiều mênh mông, sông Đà buông nắng”
Làng cổ thoắt ẩn thoắt hiện trong làn sương mù buổi sớm, dù không xa trung tâm thủ đô là mấy, nhưng vẫn mang nét cổ kính, trầm buồn của một vùng “xa vắng”. Nằm cách trung tâm gần 50km, làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, trước thuộc tỉnh Hà Tây. Làng cổ gồm 5 làng nhỏ bên trong, nhưng làng giữ được nét cổ kính và đặc sắc nhất của làng quê Bắc Bộ chính là làng Mông Phụ.
Mông Phụ – Nơi vẫn còn lưu giữ được giá trị làng cổ
Làng Mông Phụ vẫn giữ trọn được cảnh sắc của một làng quê cũ, gồm cây đa, giếng nước, sân đình. Khác với làng ở miền Nam, vốn được gói gọn trong ranh giới của lũy tre làng. Làng ở Bắc Bộ có không gian mở hơn, với cây đa ở đầu làng, dẫn vào ngôi cổng làng cổ kính.
Ở làng Bắc Bộ, sân đình là một nơi hệ trọng để bàn luận việc làng, từ các việc như hội họp hay xử án, sân đình như một quảng trường thu nhỏ để người dân xứ đó tề tựu về. Ở làng cổ Đường Lâm có một ngôi làng như thế. Đình làng Mông Phụ nằm trong khuôn viên của làng cổ Đường Lâm. Là nơi thờ tự cũng như hội họp khi có việc làng.

Chúng tôi phát hiện ra rằng, ngôi làng này được quy hoạch theo kiểu hình xương cá, các lối đi tránh về hướng chính diện, để hạn chế du khách hay người dân vô tình quay lưng về đình làng. Gạch xây nhà ở đây chủ yếu là gạch ong, vững chải mà lại vô cùng đẹp mắt; là điểm check-in không thể thiếu cho những bạn trẻ ghé qua đây.
Bề dày lịch sử và lối kiến trúc cổ kính ở Đường Lâm
Trong làng còn có thờ tự bà chúa Mía trong ngôi chùa Mía. Bà tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Dong, là phi tần của chúa Trịnh Tráng. Bà là người địa phương này, thấy Sùng Nghiêm tự, tức chùa Mía, thiệt hại nặng nề. Nên bỏ công bỏ của ra xây dựng và tôn tạo lại. Người dân làng này vì thế mà nhớ ơn; cho đúc tượng và đặt trong chùa, về sau phong là bà chúa Mía.
Làng cổ Đường Lâm còn là nơi sinh ra các vị anh hùng dân tộc. Những bậc hiền đức như “Bố Cái Đại Vương” Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, hay Thám hoa Giang Văn Minh. Vì thế, người ta hay gọi đây là vùng đất hai vua. Để ghi nhận công ơn của hai vị vua lớn của dân tộc đến từ ngôi làng này.
Đường Lâm có rất nhiều ngôi nhà cổ, đa phần đều làm bằng gỗ, kết cấu đẹp mắt, hài hòa. Bên trong những ngôi nhà ấy lúc nào cũng có những chậu tương được ủ kín giữa trời. Bên trong đó chính là đặc sản tương Đường Lâm nức tiếng cả một vùng Bắc Bộ.
Nét văn hóa làng Việt từ những giá trị truyền thống ở Đường Lâm

Ngoài ra, Đường Lâm còn nổi tiếng với món chè lam, vị ngọt ngọt mà mát lành. Vào những ngày đông giá rét, xắt một miếng chè lam rồi pha bình trà ấm. Ngồi nhâm nhi rồi thưởng trà thì thật là thi vị và dễ chịu. Không thể thiếu được những món đặc sản để mời du khách. Đó chính là nước vối và chè Lam truyền thống. Ngày mưa và lạnh, được uống chén trà nóng; và thưởng thức đặc sản ngay tại nơi đây, không còn gì tuyệt vời hơn.
Rảo bước trên những con đường ở Đường Lâm, nghe tiếng ụm bò bên những núi rơm khổng lồ, thật thân thương và dễ chịu. Tránh xa được những ồn ào, khói bụi và mệt mỏi nơi đô thị. Cách một cái cổng làng, là một thế giới khác. Một thế giới của sự bình yên và thoải mái, tận hưởng thoải mái mùi trong lành của thiên nhiên.
Ngày nay, cư dân ở đây bắt đầu xây nhà mới nhiều hơn. Những ngôi nhà lai dần thay thế cho những bức tường gạch ong cổ kính. Trách sao được bởi thế giới ngoài kia đều đang vận động, những ngôi nhà cổ dần cũng xuống cấp. Nhà tường như một biện pháp an toàn hơn cho những người dân nơi đây. Thế nhưng, không vì thế mà không gian thanh bình của nơi này mất đi. Vì ít nhiều trong những người chúng ta đều có một hy vọng lớn, rằng chừng nào còn giữ được cây đa, giếng nước, sân đình, thì chừng ấy, văn hóa làng sẽ chẳng bao giờ mai một.