Thành nhà Hồ là một trong những công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng và độc đáo nằm tại tỉnh Thanh Hóa. Công trình bằng đá này đã được công nhận là một trong những di sản văn hóa của thế giới. Đến đây tham quan và du lịch, bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy một công trình cực kỳ đồ sộ và vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ ban đầu. Ngoài ra, đây cũng được xem như là một minh chứng cho sự tồn tại đầy oai phong lẫm liệt một thời của dòng họ Hồ trong lịch sử Việt Nam.
Di tích lịch sử thành đá nhà Hồ

Nhắc đến vùng đất Thanh Hóa, người ta nhớ ngay đến cái nôi của những vị anh hùng dân tộc; những câu chuyện lịch sử hùng tráng với những chiến tích vẻ vang. Trước biến cố thăng trầm của lịch sử, trải qua nhiều cuộc chiến tranh; đến ngày nay nhiều di tích vẫn còn sừng sững với thời gian. Nổi bật trong số đó là thành nhà Hồ với những nét đẹp cổ kính, rêu phong, là chứng tích cho một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam.
Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Di sản thế giới này ẩn chứa rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải; trong đó có chuyện thời gian, kỹ thuật xây thành, đôi rồng đá bị mất đầu và ngôi mộ táng khổng lồ…
Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Thành được Hồ Quý Ly cho xây vào mùa xuân năm 1397; còn gọi là Tây Đô (hay Tây Giai) để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long, Hà Nội). Nơi đây từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa vào cuối triều Trần; và kinh đô của nước Đại Ngu.
Ví trí của thành nhà Hồ

Sử cũ chép, vào năm 1397, đất nước đứng trước nạn xâm lăng của nhà Minh, Hồ Quý Ly đã lệnh cho quan Thượng thư Bộ Lại kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh đến thị sát vùng đất Thanh Hoá để xây dựng thành trì, chuẩn bị cho việc định đô. Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay thuộc xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài, đồng thời cũng là cách để hướng lòng người trong thiên hạ xa lánh, đoạn tuyệt với nhà Trần.
Vùng đất được chọn có địa thế hiểm yếu, có đường đi từ Bắc vào Nam và sang Lào. Xung quanh được án ngữ bởi nhiều ngọn núi cao; hai mặt nam, bắc có sông Mã và sông Bưởi chảy qua.
Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.
Thành Nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á; và là một trong rất ít công trình tương tự còn lại trên thế giới.
Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi.