Việt Nam chính là thiên đường của ẩm thực, từ Bắc vào Nam không nơi nào không có món ăn ngon. Bạn đã từng đến Hà Tây và thưởng thức món bánh chè lam truyền thống của nơi này chưa? Nếu chưa từng thử qua thì bài viết này chính là thiếu sót lớn với những tín đồ hảo ngọt. Bánh chè lam được chế biến từ những nguyên liệu tươi ngon nhất, đảm bảo hương vị trọn vẹn cho món ăn. Nếu có cơ hội đến với Hà Tây thì đừng quên thưởng thức món ăn này và mua về làm quà cho người thân và bạn bè mình nữa nhé!
Bánh chè lam truyền thống của người Hà Tây
Mỗi vùng miền của đất nước ta đều có những sản vật địa phương ngon, lạ miệng để nhớ mãi. Nếu đã từng qua Hà Tây, bạn không thể không biết đến bánh chè lam. Chè lam là một loại bánh cổ truyền của người dân xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Tây. Ngày xưa, chè lam thường được làm trong các dịp lễ, Tết. Giờ đây, món bánh này không chỉ là đặc sản của người dân Hà Tây mà còn theo chân du khách đi tới mọi phương xa.
Nguyên liệu để làm bánh chè lam rất đơn giản: Bột nếp rang, đậu phộng rang, gừng, mạch nha. Thế nhưng, để bánh ngon và đạt chuẩn, các nguyên liệu trên phải chọn lọc thật kỹ. Đầu tiên, nếp để làm bánh chè lam phải là loại nếp cái hoa vàng có hạt to, chắc và đều. Mật mía phải là thứ mật mía sánh, đặc (nếu thay bằng đường kính thì phải chọn loại đường kính trắng tinh).
Quy trình làm bánh vô cùng công phu
Khâu chế biến chè lam là một quá trình rất công phu, tỉ mỉ và người nấu phải kiên nhẫn. Nếp sau khi chọn lọc kỹ lưỡng, sẽ được cho vào chảo rang. Quá trình này đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm trong việc “canh lửa”. Lửa phải đều, không được to quá cũng không được nhỏ quá. Tay luôn đảo đều để nếp chín đều, không bị sượng. Sau khi rang vàng xong, để nguội và dùng cối xay để tạo thành thứ bột mịn. Song song với việc đó, các nguyên liệu cũng phải chuẩn bị sẵn sàng. Bao gồm đậu phộng rang vàng, bẻ đôi, gừng thái sợi.

Tiếp theo là khâu thắng mật, khâu này đòi hỏi người làm chè lam phải có kinh nghiệm nhiều. Mật phải chọn mật sánh và đặc, sau đó cho vào chảo thắng cho đều tay. Điều quan trọng của công đoạn này là mật phải đạt đủ độ chín, dùng đũa nhúng vào mật, nếu thấy mật dính thành sợi mảnh thì đã được. Không nên đun quá già lửa, như vậy mật sẽ bị khét và làm chè lam bị rắn, còn nếu đun lửa non thì bánh chè lam sẽ bị nhão. Khi mật đã nấu xong, nhanh tay và khéo léo cho bột nếp, gừng và đậu phộng vào đảo đều.
Sau khi bột đã chín, để ra bàn để nhào. Để chống dính cho bánh chè lam, người ta thường rắc bột nếp đã rang vàng lên bàn làm lớp áo cho bánh. Sau đó cán hỗn hợp đã nấu trên lớp “áo” này nhiều lần cho đến khi bánh dẻo, có độ dai.
Món bánh hội tụ những hương vị thơm ngon nhất
Bánh chè lam ngon là sự kết hợp hài hòa của các nguyên liệu: Độ dính của mật, độ mịn của bột… Điều đó đòi hỏi sự kỹ lưỡng, tay nghề của người làm bánh cao. Bánh chè lam có đầy đủ các hương vị nên rất hấp dẫn. Đó là vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật. Thêm một chút cay của gừng, một chút bùi của đậu phộng. Tất cả đem đến cho chiếc bánh một hương vị nồng nàn đến ngất ngây. Những ngày trời thu mát lạnh, được thưởng thức món bánh này thật là thú vị. Thái bánh thành từng khoanh nhỏ, rồi ăn chậm rãi cùng với trà.

Bánh chè lam Hà Tây khi ăn sẽ dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ. Bánh có vị rất dịu nhẹ hợp khẩu vị mọi người. Bánh rất dẻo nhưng không dính, bột mịn, mật thơm, thêm vị cay của rừng và giòn bùi của lạc rang nữa từ đó tạo nên món bánh tuyệt vời. Đặc biệt nhất khi vào những ngày cuối năm, khi thời tiết đã chuyển sang đông lạnh, trên bàn là những miếng bánh chè lam cùng một tách trà nóng. Du khách vừa ăn bánh vừa nhấp một ngụm trà vị của bánh vị của trà. Chúng hòa quyện tạo một cảm giác ngon đến lạ thường. Đặc biệt giữa một không gian thiên nhiên gần gũi có tiếng chim hót líu lo, tiếng lá cây gần gũi cũng tạo nên một cảnh tượng tuyệt hảo.