Thanh Hóa là miền đất đầu miền Trung với nền ẩm thực lâu đời vô cùng nổi tiếng. Trong đó, bánh cuốn xứ Thanh là một trong những đặc sản được truyền bá khắp mọi nơi. Người con xứ Thanh xa quê chỉ cần một đĩa bánh cuốn nóng hổi được bày bán nơi hè phố là sẽ nhớ ngay đến quê nhà. Quy trình làm bánh cuốn vô cùng công phu, sử dụng những nguyên liệu hoàn hảo nhất nên đảm bảo được hương vị tươi ngon nhất. Nếu bạn chưa từng thưởng thức món ăn này thì hãy nhanh chóng tìm kiếm món ăn Thanh Hóa cực ngon này nhé!
Bánh cuốn – Món ăn đặc sản Thanh Hóa
Nhắc đến đặc sản Thanh Hóa ai cũng nghĩ ngay đến món nem chua. Nhưng ít ai biết ngoài món đặc trưng này vẫn còn rất nhiều đặc sản khác. Một trong số đó phải kể đến món bánh cuốn, món ăn nhất định phải thử với những ai đã từng đặt chân đến vùng quê đầu miền Trung đầy nắng gió. Ai được thưởng thức món bánh cuốn thì là điều quá tuyệt vời. Món bánh này thu hút du khách bởi hương thơm và vị bánh rất riêng. Nếu đã từng một lần ăn thử thì sẽ nhớ mãi hương vị ấy. Và chắc chắn muốn trở lại xứ Thanh để ăn thêm nhiều lần.
Bánh cuốn Thanh Hóa mềm, dai, bột làm bánh là bột nước, phải xay bằng cối đá. Bột xay bằng máy xay công nghiệp thô sẽ làm cho bánh dày, không ngon. Bột phải làm từ thứ gạo dẻo thơm. Được điều chỉnh theo tỉ lệ thích hợp nên cả khi nguội bánh vẫn thơm ngon như thường. Nhân bánh làm từ thịt nạc vai, tôm tươi đã bóc vỏ và một chút hành, mộc nhĩ. Hành được xắt bằng tay, rang vàng rộm, không phải loại hành phi sẵn đóng trong hộp vốn có màu nâu sậm.
Nguyên liệu làm bánh cuốn được chọn lọc tỉ mỉ
Mảnh đất Thanh Hóa được bồi đắp bởi phù sa sông Mã, nền nông nghiệp đã có những thành tựu rực rỡ từ thời Văn hóa Đông Sơn cách đây hơn 2.000 năm nên cư dân đã sáng tạo ra nhiều món ngon từ lúa gạo. Bánh cuốn chính là món ăn gói gọn tinh túy đất trời. Kết hợp với sự khéo léo của bàn tay con người vùng châu thổ sông Mã.

Nguyên liệu chính của bánh cuốn là gạo tẻ. Gạo được tuyển chọn từ vùng trồng lúa nổi tiếng của xứ Thanh như Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa và Hoằng Hóa. Sao cho hạt thóc mọng tròn, đều tăm tắp, thơm ngon lạ. Gạo đem ngâm từ 5-8 tiếng cho ngậm đủ nước rồi cho vào cối đá, qua từng vòng quay nhẫn nại, ứa thành những dòng bột nước trắng mịn. Bột nước này được ủ qua đêm, đạt đến độ chua thích hợp rồi đem tráng. Từng muôi bột trắng ngần được tráng nhanh trên lớp vải mỏng đặt trên nồi nước sôi. Bánh được chín bằng hơi nước từ nồi hấp bốc lên.
Quy trình làm bánh cuốn vô cùng công phu
Dụng cụ làm bánh là một chiếc nồi đồng bịt vải màn chừa lại một khe nhỏ để thoát hơi nước, một chiếc mui múc bột, một ống nứa được thoa mỡ để chống dính, một cái nong tre nhỏ lật ngược cũng được thoa mỡ để trải và cuốn bánh.
Người làm bánh múc muôi bột, dùng chính cái muôi đó dàn bột thật đều trên lớp vải rồi đậy vung lại, 30 giây sau bánh chín mở vung ra dùng ống nứa khéo léo lấy bánh ra trải rộng trên mặt nong rồi múc bột thoa lên lớp vải làm cái bánh kế tiếp, đậy vung lại. Sau đó rải nhân, cuốn bánh, xếp vào đĩa. Để thưởng thức bánh ngon không nên ăn bánh làm sẵn. Mà phải ăn bánh ngay khi bánh vừa làm xong thì sẽ rất ngon.
Nước mắm ngon là linh hồn của bánh cuốn

Nước mắm ngon, tốt nhất là nước mắm Tĩnh Gia, làm hoàn toàn thủ công. Không có chất bảo quản, phẩm màu hay bột ngọt, một chút chanh, rắc lên mấy hạt tiêu bắc, thêm một vài miếng ớt nhỏ tươi tạo nên một bát nước chấm sóng sánh vàng nâu màu từa tựa mật ong, có vị chua chua thanh thanh. Thưởng thức món bánh cuốn với nước mắm ngon thêm vài miếng chả nướng thơm mùi hành hoa, sẽ làm cho món ăn càng trở nên hấp dẫn hơn.
Bột ngon, nhân ngon và nước chấm ngon chưa đủ để tạo nên một cái bánh ngon. Nó còn phải phụ thuộc nhiều vào người tráng bánh. Người xứ Thanh có bí quyết riêng để làm món bánh cuốn ngon không thể lẫn với bất kỳ nơi nào khác, mà ít ai sánh kịp. Du khách có thể thưởng thức bánh cuốn ngon, rẻ ở khắp mọi nơi. Nhưng không có bất cứ nơi nào bánh cuốn ngon như ở Thanh Hóa.