Xơ Đăng là một trong 47 dân tộc sinh sống tại Tây Nguyên với nhiều nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu phải kể đến văn hóa trang phục. Người Xơ Đăng từ lâu đã phát triển nghề dệt truyền thống nên họ vẫn giữ được những nét đặc trưng nhất trên bộ trang phục của mình. Tuy nhiên, trang phục của người Xơ Đăng vẫn mang những nét đặc trưng theo từng nhóm địa phương. Nhưng nhìn chung thì trang phục của người Xơ Đăng có nhiều nét tương đồng với các nhóm dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên đó là về màu sắc trang phục vẫn mang hai màu phổ biến là đen và chàm. Hãy cùng chúng tôi khám phá kỹ hơn về bộ trang phục của người Xơ Đăng qua bài viết dưới đây.
Nghề dệt truyền thống của người Xơ Đăng

Xơ Đăng là tộc người thiểu số gồm 5 nhóm địa phương chính: Xơ Teng, Tơ Đrá, Mơ Nâm, Ca Dong và Hà Lăng; cư trú tập trung ở các huyện Đắk Tô, Sa Thầy, Đắk Glây, Kon Plông, Ngọc Hồi, Đắk Hà (tỉnh Kon Tum), huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi), huyện Bắc Trà My, Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), huyện Cư M’gar, Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk). Trong quá trình hình thành và phát triển, người Xơ Đăng còn bảo lưu được các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong đó có nét đẹp trên những bộ trang phục truyền thống.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Xơ Đăng đã có từ lâu đời. Chiếc khung cửi của họ cũng giống khung dệt của dân tộc khác ở Tây Nguyên. Họ chủ yếu dệt vải khổ hẹp từ 30 – 40cm, có khi cũng dệt khổ vải rộng tới 80cm. Nhờ nghề dệt, người Xơ Đăng vẫn giữ được các loại hình trang phục với những nét đặc trưng theo từng nhóm địa phương. Các dân tộc khác ở Tây Nguyên thường sử dụng màu đen và màu chàm. Còn màu chủ đạo trên trang phục người Xơ Đăng là màu chàm. Hoa văn trên trang phục chủ yếu được trang trí xung quanh áo, váy.
Trang phục truyền thống của nam giới
Trang phục đậm chất Tây Nguyên của dân tộc Xơ Đăng là các loại khố, áo của đàn ông; áo chui đầu tay áo được khoét sát nách và váy quấn của phụ nữ; khăn đội đầu, tấm choàng, tấm địu trẻ em. Trang phục truyền thống của đồng bào Xơ Đăng thì nam giới đóng khố, cởi trần. Khố là một tấm vải dài, khổ hẹp luồn qua háng, quấn quanh thắt lưng. Thả mành mành hai đầu buông dài trước và sau đến gần cổ chân. Trong các lễ hội, trang phục của người đàn ông quấn thêm một tấm vải quấn chéo trên ngực; nhìn như một chiến binh đang ra trận.
Trang phục truyền thống cho nữ giới

Còn trang phục truyền thống của phụ nữ gồm áo, váy, tấm choàng (khăn vai) và địu em bé. Áo là kiểu áo chui đầu, không có tay. Tấm choàng hay còn gọi là khăn vai được dệt từ những sợi bông với nhiều màu sắc khác nhau. Các thiếu nữ Xơ Đăng đến tuổi trưởng thành thường dùng tấm choàng khoác qua người như một dấu hiệu cho những chàng trai biết mình chưa xây dựng gia đình để có thể trò chuyện, tìm hiểu. Khi về nhà chồng, người con gái mang theo tấm choàng. Và giữ gìn như một vật kỷ niệm quý giá của thời con gái.
Tấm choàng được dệt từ những sợi bông với nhiều màu sắc khác nhau. Để có tấm choàng, họ dệt 2 tấm vải sau đó ghép lại. Trên mặt phải của tấm choàng được trang trí hoa văn hình quả trám xen kẽ với các dải màu đen, trắng, đỏ. Để tô điểm thêm, người Xơ Đăng còn sử dụng các loại hình trang sức. Như vòng đồng, vòng bạc, chuỗi hạt cườm, đặc biệt là các loại trang sức cổ xưa như nanh, vuốt thú… làm nên sắc phục Xơ Đăng.
Người Xơ Đăng gìn giữ nét đẹp văn hóa trang phục
Có thể nói rằng, trang phục truyền thống của người Xơ Đăng là loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu, phong phú, đa dạng về loại hình, sản phẩm, có giá trị thẩm mỹ với những đường nét hoa văn; sắc màu độc đáo mang nét đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Dù cuộc sống có nhiều biến đổi, đời sống phát triển. Người Xơ Đăng có nhiều lựa chọn để may, mặc các bộ trang phục khác.
Tuy nhiên trong các dịp lễ hội, họ vẫn khoác trên mình những bộ trang phục truyền thống. Để giữ gìn nét văn hóa và bản sắc của dân tộc mình. Đây cũng chính là dịp để cộng đồng bà con ôn lại những phong tục tập quán truyền thống của ông cha ngày xưa, khôi phục và duy trì những nét đẹp văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời quảng bá hình ảnh, vốn sống văn hóa phong phú của dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.