Bắc Ninh – vùng quê của các liền anh liền chị, các làn điệu dân ca quan họ và của các đặc sản truyền thống níu chân bao người. Một trong các đặc sản đó được mang tên: Bánh tẻ làng Chờ. Bánh tẻ làng Chờ được làm từ loại bột gạo tẻ, gói bên ngoài bằng lá dong và được luộc chín. Và tại mỗi một vùng miền thì món bánh tẻ lại có các đặc trưng riêng, với Bắc Ninh cũng vậy và món bánh tẻ làng Chờ đã trở thành một đặc sản nổi tiếng. Để làm ra được những chiếc bánh đúng nghĩa bánh tẻ làng Chờ thì cần phải trải qua một quy trình khá phức tạp, tỉ mỉ. Hãy cùng chuyên mục ẩm thực 3 miền tìm hiểu về loại bánh này nhé!
Nguồn gốc của món bánh tẻ làng Chờ
Những ngày lễ tết ở vùng Yên Phong đã đành, nay thì ở hội Lim (Tiên Du), hội Đền Đô (Từ Sơn),… các nhà hàng khách sạn ở Bắc Ninh, Hà Nội rồi đến những ngày khánh thành, lễ cưới sang trọng đều thấy có bánh tẻ làng Chờ. Đang lúc rượu ngà ngà các món cao lương ngũ vị cũng đã ngán cả rồi thì thứ bánh tẻ quê mùa vừa dẻo vừa dai, vừa giòn vừa thơm, vừa thanh vừa mát làm cho người thêm tỉnh táo, lại chắc cái dạ thì thật là tuyệt.

Gọi là bánh tẻ làng Chờ là cách gọi dân dã cho dễ nhớ dễ thuộc. Phương ngôn có câu: Ba làng Mịn, bảy làng Chờ, một làng Ô Cách chơ vơ giữa đồng.
Chờ là tên gọi chung của 7 làng: Phú Mẫn, Nghiêm Xá, Trung Bạn, Ngân Cầu (thị trấn Chờ), Ngô Nội, Tiên Trà, Phù Lưu (xã Trung Nghĩa) thuộc tổng Chờ xưa, kết nghĩa với nhau tổ chức ngày hội “thất thôn giao liệt” từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 3 âm lịch hàng năm. Bánh tẻ ngon nhất lại là của các làng Chờ: Ngô Nội, Tiên Trà, Phù Lưu, Nghiêm Xá. Có lẽ đây là những làng nhiều đồng chiêm cấy được những giống lúa có gạo thơm ngon.
Mang hồn cốt của ẩm thực làng quê Việt
Bánh tẻ ăn lúc còn nóng mới ngon. Mâm cỗ ngày tết sau khi nhâm nhi chén rượu. Mới bóc bánh ra, dùng con dao bài xắt bánh bày lên đĩa. Lúc bấy giờ mọi người cùng thưởng thức. Bánh tẻ làng Chờ dẻo chứ không nhão, nát như thứ bánh giò mà bạn thường thấy. Vừa có độ giòn lại vừa có vị đậm, vị béo của nhân, nồng nàn của mùi lá. Không thể lẫn vào thứ bánh tẻ nào khác được.

Tết đến, xuân về rồi. Làng nọ, làng kia “nhất niên, nhất lệ” nối nhau mở hội. Hội làng thì bạn bè cứ đến hẹn lại lên. Xới vật làng Chờ bao giờ cũng nổi tiếng những keo vật hay, miếng vật tài. Chẳng biết cỗ bàn to nhỏ thế nào chứ bánh tẻ vẫn là đầu bảng. Người đến dự được thưởng thức đã đành khi ra về chủ nhân cũng biếu dăm bảy chiếc để làm quà cho cụ già và cho trẻ nhỏ ở nhà.
Bánh tẻ được bán vào tất cả các thời điểm trong năm. Nhưng nhiều nhất vẫn từ tháng 8 âm lịch năm trước đến tháng 2 năm sau. Thời gian này đang là chính vụ kinh doanh, đơn đặt hàng nhiều. Có ngày, các thợ làm bánh phải thức thâu đêm.